Ngày thứ ba, Lm Phaolô mời mọi người chiêm ngắm Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (CTTĐVN). Suốt trong dòng Lịch sử Hội Thánh, từ Chúa Giêsu và các môn đệ đến CTTĐVN đều bị bắt bớ, giết hại vì hăng say rao giảng sự thật. Đức Thánh Cha đã nói ngày nay số Kitô hữu bị bách hại còn nhiều hơn thời kỳ đầu. Hội Thánh bị bách hại là bình thường, không bị bách hại mới là lạ. Kitô hữu tôn trọng sự thật trái ngược với cộng sản vô thần giả hình như ánh sáng và bóng tối. Sau mấy chục năm theo chủ nghĩa Mác, như lời bài hát của Trịnh Công Sơn, gia tài của mẹ để lại cho con là Nước Việt buồn. Đức cha Hợp khi được phỏng vấn ngài nghĩ sao khi bị báo lề phải công kích khi đứng về phía người nghèo trong vụ Formosa, ngài đã trả lời nếu được khen mới đáng ngại.
Lm Phaolô đúc kết: Vui và hãnh diện với những cái chết rạng ngời chính nghĩa của CTTĐVN, chúng ta tự vấn xem mình có chịu bách hại, thiệt thòi vì niềm tin không? Nếu chúng ta nhắm mắt bịt tai thì không xứng danh Kitô hữu. Như lời Thánh Phaolô: Hãy rao giảng Lời Chúa lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện. Đây là lúc thuận tiện khi mọi người, nhất là giới trẻ, hoang mang không biết đặt niềm tin vào đâu. 70 năm trong tay họ Mao, Kitô hữu đã tăng trên 100%. Còn 50 năm qua, Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ. Lời Chúa đang chất vấn mỗi người chúng ta. Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có hai văn kiện về tình hình biển Đông và sửa đổi Hiến Pháp điều 4. Hội Thánh không tranh giành quyền lực nhưng phải bảo vệ người nghèo. Giáo Hội không làm chính trị nhưng tín hữu phải tham gia. Các thế hệ tương lai sẽ hỏi ta đã ở đâu, đã làm gì khi độc lập chủ quyền của Việt Nam bị đe dọa?
Kết thúc Thánh lễ, ông Chủ tịch HĐMVGX đã đại diện họ đạo lên cảm ơn cha giảng phòng. Khi ông dứt lời, cộng đoàn giáo xứ đã hưởng ứng bằng một tràng pháo tay nồng nhiệt.
Trong hai ngày tĩnh tâm cuối, sau Thánh lễ, các hối nhân đã tìm đến các tòa Hòa giải để được giao hòa với Chúa, chuẩn bị tâm hồn thật tốt để đón nhận Chúa, hầu được hưởng niềm hạnh phúc thật vì có Chúa luôn ở cùng.